Đánh giá nội dung cho Website: làm thế nào mới đủ?

Thế nào là một bài viết tốt trên Website? Chắc đây là câu hỏi của rất nhiều copywriter và marketer, ngay cả với những người lâu năm trong nghề cũng chưa chắc đưa ra câu trả lời thoả mãn nhất.

Trang web có nội dung (content) chất lượng chắc chắn lấy được nhiều cảm tình từ đọc giả, dần dần làm nổi bật thương hiệu của công ty và khách hàng cảm nhận được sự uy tín, chuyên nghiêp trong các sản phẩm dịch vụ. Bài viết nào cũng là sản phẩm trí não của con người, xin đừng ghẻ lạnh với nó.

Tuy nhiên, có mấy ai muốn đầu tư thời gian và nguồn lực để cho ra đời những bài viết ‘có tâm’ làm xuýt xoa người đọc. Mình từng làm việc với nhiều website của khách hàng, và thật sự rất ngán ngẩm khi đọc các bài viết cẩu thả và lủng củng. Nếu đây là suy nghĩ của một người trong nghề thì chắc chắn cũng là tiếng lòng của nhiều bạn editor khác. Và thật may mắn khi mình tham khảo được một guideline cụ thể khi đánh giá nội dung cho trang web. Mời bạn cùng đọc và để lại quan điểm dưới phần comment nhé.

danh gia content cho website

1. Hiểu khán giả của bạn là ai

Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng. Xác định đối tượng mục tiêu luôn là bước quan trọng và cơ bản nhất không chỉ với người làm content mà còn bắt buộc với các marketer. Bạn chỉ cần tìm lời đáp cho hai câu hỏi sau:

  • Khán giả mục tiêu là người như thế nào?
  • Tại sao họ đọc bài viết của bạn?

Khán giả mục tiêu là người như thế nào?

Mục đích của câu hỏi này là để hiểu thông tin nhân khẩu học của khán giả như là tuổi tác, giới tính, học vấn, nghề nghiệp; từ đó bạn sẽ chọn ra loại nội dung nào phù hợp với họ.

Lấy ví dụ trường hợp đối tượng là bà mẹ nội trợ trong độ tuổi từ 35 – 40 có hai con dưới 5 tuổi. Thật dễ hình dung lịch trình của người mẹ đó khá bận rộn: tất tả dọn dẹp nhà cửa, giặt giũ, nấu ăn mà vẫn luôn coi chừng các con của mình. Vậy nên những gì đúng trọng tâm, ngắn gọn, sạch sẽ, dễ đọc, dễ hiểu với hình minh hoạ chắc chắn thích hợp hơn một bài viết nhiều chữ với đoạn văn dài lê thê.

Tại sao họ đọc bài viết của bạn?

Sau khi biết được thông tin cơ bản về khán giả, chúng ta cần hiểu họ đang tìm kiếm điều gì qua mỗi lần click chuột vào website vì nhu cầu của độc giả là không giống nhau.

Giả sử cùng viết về chủ đề Digital Marketing, người mới tìm hiểu (newbies) sẽ muốn đọc về kiến thức căn bản (digital marketing là gì? có mấy loại?); trong khi đó, người đi làm lâu năm (seniors) muốn tìm hiểu chuyên sâu hơn với những thuật ngữ khó nhằn và case study thực tiễn. Viết bài cho newbies thì chưa chắc seniors muốn đọc, và content dành cho seniors thì có thể quá khó để newbies hiểu được. Bởi vậy, một người làm content thông minh là người biết cách chiều chuộng độc giả chính của mình.

Một vài câu hỏi sau có thể giúp bạn tìm ra insight và tâm lý của độc giả:

  • Họ đọc để thư giãn hay dành cho công việc?
  • Họ có sẵn sàng chia sẻ bài viết này trên các trang mạng xã hội?
  • Họ sẽ đọc bài viết này ở đâu? Trên xe bus, tại nhà hay khi xếp hàng chờ thanh toán?
  • Họ có thoải mái với những đoạn văn dài chữ, hay thích xem hình minh họa hơn?
  • Họ có thích đọc những bản tin phân tích chuyên sâu hơn tin tức ngắn gọn, chung chung?

Những thông tin này không phải tự nhiên có được. Hãy làm khảo sát thăm dò ý kiến khách hàng, tận dụng những báo cáo từ việc sales và marketing để phân tích, và sử dụng công cụ phân tích insight của khách hàng như Nielsen, Google AnalyticsFacebook Audience Insights. Nghe thật phức tạp phải không? Nhưng đó chính là tảng băng chìm – điểm mấu chốt – làm nội dung website của bạn khác biệt hơn so với những trang web với nội dung chung chung.

2. Chấm điểm nội dung

Chúng ta thường kiểm tra bài viết từ trên xuống dưới, chỗ nào sai thì sửa, chỗ nào câu cú chưa ổn thì thêm thắt một vài từ ngữ là xong. Nhưng liệu ta có biết được điểm mạnh và điểm yếu trong cách hành văn của người viết để feedback chi tiết? Lỗi chính tả, ngữ pháp dễ dàng được phát hiện, nhưng các tiêu chí như giọng văn, cách trình bày và tính liên tục của bài viết lại không đơn giản để đánh giá với hai từ “Tốt” và “Chưa Được”.

Với những trường hợp đó, mình tìm hiểu một phương pháp chấm điểm cho content rất hay do Jackie FrancisBen Estes xây dựng trên cộng đồng Moz bloggers. Đây là một bảng chấm điểm (scoreboard) có hai phần chính: Viết lách và Thiết kế. Mỗi phần có các tiêu chí có thang điểm 1-5: 1 là điểm kém nhất và 5 là điểm tốt nhất. 

Mời bạn tham khảo bảng chấm điểm content chi tiết tại đây.

Guideline danh gia content cho website

Cách áp dụng: Chia nhỏ từng phần nội dung và gắn cho mỗi phần một tiêu đề (title) riêng. Chấm điểm từng phần theo các tiêu chí và ghi lại số điểm trong một sheet khác cho đến hết.

Guideline danh gia content cho website-2

Theo cách chia nhỏ như vậy, bạn sẽ biết được từng phần đang gặp vấn đề gì và có điểm tốt nào cần phát huy qua điểm số:

Điểm 5 cho tiêu chí xuất sắc nhất mà bạn không thể chê được. Rất hiếm để đạt được!

Điểm 4 cũng là điểm tốt, nhưng nó nhắc nhở người viết cần phấn đấu để trở nên tốt hơn.

Điểm 3: mức trung bình

Điểm 1 & 2: bài viết thực sự có vấn đề. Người viết cần tập trung khắc phục.

Bằng cách theo dõi điểm trung bình, chúng ta có thể biết được phần nào của bài viết đang tốt, phần nào cần được chỉnh sửa nhiều. Đặc biệt khi phải làm việc với nhiều bài viết cùng một lúc, cách chấm điểm này còn giúp phân chia mức độ ưu tiên để bạn làm việc nhanh hơn. Bạn có thể thay đổi các tiêu chí chấm điểm để đạt năng suất cao hơn và phù hơn với nhu cầu riêng.

3. Đừng bao giờ quên từ khóa (keywords)

Quy tắc thông thường khi viết content là tìm kiếm keyword ở bước đầu tiên và xây dựng bài viết dựa trên keyword đó. Nhưng khi đánh giá nội dung trên website, việc rà soát keyword ở bước cuối chẳng phải làm mọi thứ tự nhiên và thuận tiện hơn sao?

Hãy đóng vai là người đọc, bạn sẽ chỉ cần biết bài viết này có hay không, có đáp ứng đúng yêu cầu không và có dễ đọc không, chứ độc giả không bao giờ quan tâm đến số lượng từ khóa trong bài là bao nhiêu cả.

4. Kiểm tra, kiểm tra và kiểm tra…

Sau khi hoàn thành review đầu tiên, chúng ta sẽ đến bước chỉnh sửa content.

Một điều thú vị khi đánh giá content cho website là công việc này không thể làm xong một sớm một chiều. Mỗi lần chỉnh sửa là một content mới, ai dám chắc content mới này hoàn hảo 100% mà không mắc phải sai lầm cũ? Vì vậy, chúng ta cần liên tục theo dõi bài viết sau mỗi lần chỉnh sửa để đảm bảo rằng ta không đi trệch hướng.

Để việc đánh giá lại content diễn ra logic, bạn có thể chia như sau:

  • Sau khi sửa xong 50% bài viết, quay lại theo dõi
  • Sau khi sửa xong 85% bài viết, quay lại kiểm tra
  • Sau khi sửa xong toàn bài.

Ở giai đoạn này, bạn không cần quá tỉ mỉ như ở bước 2 mà có thể làm ngắn gọn bằng cách trả lời các câu hỏi sau:

  • Tôi có thực sự đáp ứng được nhu cầu của khản giả mục tiêu?
  • Keyword chính đã được làm sáng tỏ chưa?
  • Tôi có sử dụng đúng giọng điệu?
  • Bài viết được phân chia chặt chẽ và cấu trúc hợp lý chưa?

Lời kết

Chà! Quả thật việc đánh giá content cho website không dễ dàng như ta tưởng nhỉ? Mình biết quy trình này khá phức tạp, nhưng khi bạn làm quen và giữ thói quen áp dụng các bước đánh giá này liên tục thì mình đảm bảo chất lượng bài viết được nâng lên đáng kể và càng nhiều người đọc tìm đến website của bạn hơn.

Comments

Let’s make a great impact together

Be a part of BraveBits to unlock your full potential and be proud of the impact you make.