8 cách tạo sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống

Hôm nay mình viết blog này với mục đích chia sẻ với các bạn một số cách để cân bằng giữa công việc và cuộc sống. Như các bạn biết, ai cũng phải việc để duy trì cuộc sống, thế nhưng sự quá tải trong công việc không chỉ khiến chúng ta bị căng thẳng mà còn giảm hiệu quả công việc, đồng thời gây ảnh hưởng tới cả cuộc sống cá nhân. Vậy thì làm thế nào để phá vỡ vòng luẩn quẩn công việc – stress – công việc – stress và cuộc sống riêng tư sau giờ làm?

Dưới đây là vài quy tắc mà cá nhân mình đã áp dụng để duy trì sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống:

Hãy thực tế

Quy tắc đầu tiên là phải thực tế về những nhu cầu và mục tiêu của bạn. Tốt hơn là biết rằng mình không thể đảm nhận công việc làm thêm trước khi thảo luận với sếp về công việc đó, hơn là làm được nửa chừng mới nhận ra mình không thể tiếp.

Lên kế hoạch cụ thể cho ngày làm việc

Để một ngày làm việc đạt được kết quả tốt nhất, bạn nên thiết lập một lịch trình cho ngày làm việc của mình. Bạn lên kế hoạch cụ thể cho 8 giờ làm việc, phân bổ thời gian dự kiến cho từng công việc hoặc dự án, đặc biệt là những dự án lớn. Từ đó, bạn đã có trong tay danh sách các công việc phải làm theo một cách hợp lý nhất.

Đừng hốt hoảng

Thậm chí khi bạn cảm thấy sợ hãi vì một việc gì đó, cũng đừng nên hốt hoảng và giải quyết mọi việc theo kiểu “cho xong”. Hãy từ từ suy nghĩ thật thấu đáo và nhất là phải bình tĩnh, từng bước tìm ra đầu mối của vấn đề để giải quyết. Nếu được, bạn có thể tìm đến một người mà mình tin tưởng để có những giải pháp tốt nhất cho vấn đề bạn đang gặp phải, chí ít cũng là để có người chia sẻ cùng bạn.

Dành cho mình những giây phút thư giãn

Sau thời gian dồn hết tâm trí và sức lực cho các dự án lớn, thay vì tiếp tục lao đầu ngay vào các dự án lớn khác – bạn nên dành thời gian để thư giãn. Dành một khoảng thời gian ngắn để nghỉ ngơi thực sự sẽ giúp bạn bắt tay vào các công việc mới hiệu quả hơn. Bạn hãy rời bàn làm việc, lấy cho mình tách trà hoặc cà phê và thả lòng hoàn toàn trí óc.

Tạo dựng những mối quan hệ tốt

Đừng tự biến mình thành “cỗ máy đa năng”, điều này sẽ khiến bạn sớm cảm thấy quá tải. Hãy san sẻ công việc của mình với những người thân hay đồng nghiệp của bạn. Muốn làm được như thế, bạn cần bồi đắp những mối quan hệ tốt đẹp dù ở công sở hay trong gia đình. Nên nhớ rằng khi cảm thấy quá áp lực, hãy giải quyết theo hướng tích cực chứ đừng trút giận lên người bên cạnh vì điều này chỉ khiến cho bạn mất đi những nguồn trợ giúp hữu ích mà thôi.

Luôn lạc quan

Nếu gặp thất bại trong công việc, tâm trạng và phản ứng của bạn thế nào? Nếu không biết cách kiềm chế cảm xúc, rất có thể bạn sẽ bị sa sút “phong độ” một cách nhanh chóng. Khi ấy, thay vì cứ nghĩ đến cái vị “đắng” của thất bại một cách cục bộ, bạn nên đặt nó lên một trục thời gian dài hơn để thấy rằng đó chỉ là một vấn đề ngắn hạn, trong khi tương lai của bạn vẫn còn rộng mở ở phía trước. Như vậy, bạn sẽ cảm thấy dễ chịu và tự tin trở lại sau cú vấp ngã này. Dẫu sao thất bại cũng là mẹ của thành công. Hãy luôn luôn lạc quan. Đôi khi bạn cần những vấp ngã để trưởng thành hơn.

Thể dục thể thao nâng cao sức khỏe

Làm việc căng thẳng, ngồi ở công sở từ 8 đến 12 tiếng mỗi ngày, sẽ khiến cơ thể và tinh thần của bạn mệt mỏi và căng thẳng. Liều thuốc tốt nhất cho tình trạng này là xách mông lên đi đến một phòng gym, nơi chúng ta có thể tập luyện và giảm tress một cách hiệu quả. Tuy nhiên, bạn hãy chú ý đến tiếng nói của cơ thể, lựa chọn những bài tập phù hợp với mình để tránh làm cơ thể quá tải hoặc chấn thương. Nếu bạn không thích gym, bạn hoàn toàn có thể lựa chọn những bộ môn khác phù hợp với mình, ví dụ yoga, bơi, chạy, đi bộ..v.v. Điều quan trọng ở đây là sự tập luyện khoa học và đều đặn để cơ thể cũng như tinh thần chúng ta được khoẻ khoắn hơn.

Ngủ, ngủ, và ngủ đúng giờ

Điều này nghe thật trẻ con, nhưng thật ra thói quen “câu giờ” trước khi đi ngủ (đọc ráng vài trang sách, xem nốt một bộ phim) sẽ làm bạn ngủ không đủ giấc và cảm thấy mệt mỏi vào sáng hôm sau. Một cơ thể thiếu tỉnh táo sẽ khiến bạn làm việc chậm chạp hơn, do vậy tốn thời gian nhiều hơn cho cùng một công việc. Thiết lập khung giờ hợp lí cho những sinh hoạt cá nhân là cách bạn vừa tận hưởng lành mạnh buổi tối của mình, vừa chuẩn bị sẵn sàng cho ngày làm việc kế tiếp. Thời gian tốt nhất để đi ngủ là trước 23h.

Trên đây là một số nguyên tắc mà mình đã tham khảo từ nhiều nguồn, kết hợp với những trải nghiệm thức tế của bản thân. Nếu các bạn có những cách thức khác, xin vui lòng chia sẻ với mình qua phần comment của blog này nhé! Cảm ơn các bạn.

Comments

Let’s make a great impact together

Be a part of BraveBits to unlock your full potential and be proud of the impact you make.