Table of Contents
Quản lý thông minh không còn xem nhân viên của mình như những bánh răng tầm thường của một cỗ máy hay chỉ tuyển người dựa trên các kỹ năng cần thiết nữa. Những tuyệt phẩm thường được chế tác bởi một đội ngũ tuyệt nghệ. Xây dựng một Dev team tuyệt vời nghĩa là tập trung vào tìm kiếm những cá nhân phù hợp với văn hóa của công ty và cân bằng được với mọi người trong team.
Trong buổi nói chuyện ngày hôm nay, chúng ta hãy cùng ngồi xuống và lắng nghe câu chuyện từ anh Quang (Richard) – CEO và quản lý Dev team của PageFly để có thêm những góc nhìn thú vị về vị trí Dev leader và hành trình anh đã xây dựng đội ngũ Dev team để có thể đưa PageFly từ một ý tưởng đến ứng dụng trình dựng trang được bình chọn hàng đầu trên Shopify.
Table of Contents
Q: Hi Richard, đối với một công ty về công nghệ, Dev team giống như là thành phần cốt lõi để xây dựng một sản phẩm tốt. Đứng ở vai trò một người quản lý Dev team, một Dev team hiệu quả theo anh sẽ gồm những yếu tố nào?
Richard:
Chào Mai Phương,
Lời đầu tiên thì cho anh xin phép được gửi lời chào, lời cảm ơn tới các bạn độc giả của BB Blog, cảm ơn các bạn đã gắn bó với chúng tôi trong suốt thời gian qua. Hy vọng những chia sẻ của chúng tôi phần nào mang lại một vài giá trị gì đó có ích cho các bạn.
Quay trở lại câu hỏi của Mai Phương, theo anh thì để xây dựng được một Development team hiệu quả thì yếu tố đầu tiên là cơ cấu nhân sự, trong team phải luôn có những con người có trình độ khác nhau để họ nhìn nhau mà phấn đấu. Kiểu như phải luôn có người giàu kinh nghiệm và có người mới vào nghề, người giàu kinh nghiệm có thể truyền đạt lại khối kiến thức mà họ có cho những người còn lại. Còn những anh em mới vào thì lại có tinh thần chiến đấu cao, từ đó thúc đẩy cả 2 phía cùng phát triển.
Mặt khác không thể thiếu những nhân tố đóng vai trò “Mentor”, họ là những người có thể truyền cảm hứng làm việc, kỹ năng cho những người còn lại.
Ngoài ra trong công việc cố gắng không để họ cảm thấy nhàm chán, mỗi khi thấy có hiện tượng đó, cần luân chuyển họ sang làm 1 đầu việc khác thậm chí có thể để họ nghỉ ngơi và học tập thêm 1 vài khoá học nào đó.
Cuối cùng là sự cân bằng, việc ép deadline là vấn đề tầng quản lý ai cũng muốn, thứ nhất để cho công việc trôi chảy, thứ 2 cũng để cho nhân viên chịu áp lực cao, từ đó bản thân họ cũng phát triển hơn. Tuy nhiên phải hết sức cân bằng trong việc “ép”, để anh em còn có thời gian dành cho bản thân, gia đình, tái tạo năng lượng. Đường dài mới biết ngựa hay.
Q: Người ta thường hình dung lập trình là một công việc mang tính độc lập và cá nhân cao. Làm cách nào để anh có thể kết nối các thành viên trong nhóm với nhau một cách hiệu quả nhất?
Richard:
Team development của công ty hiện có 12 thành viên chính thức và 1 bạn đang học việc. Cũng như nhiều team công nghệ khác, bên anh cũng ứng dụng Agile để quản lý công việc. Khi có những đầu việc được giao xuống, team sẽ chia ra thành các nhóm nhỏ, mỗi nhóm sẽ có vài thành viên tuỳ vào độ phức tạp của tính năng. Mặc dù về kỹ năng lập trình của các thành viên trong team cũng tương đối đồng đều, tuy nhiên sẽ vẫn có những bạn nhỉnh hơn.
Chính vì thế trong một nhóm sẽ luôn sắp xếp 1 người có kỹ năng tốt nhất, người này thường sẽ là lead nhóm để điều phối và báo cáo công việc cho leader.
Cứ như vậy, mỗi phần tính năng các thành viên sẽ được sắp xếp lẫn lộn, tức là ai cũng sẽ có cơ hội làm việc trực tiếp với người khác. Khi đó các bạn cũng sẽ hiểu được thế mạnh của các thành viên khác trong team, từ đó học tập lẫn nhau và cùng nhau phát triển.
Q: Hiện tại là một developer của PageFly, anh có thể chia sẻ lí do cũng như động lực gì khiến anh quyết định lựa chọn con đường này tại PageFly?
Richard:
Lập trình là một công việc phải nói là anh cực kỳ yêu thích, hồi còn trẻ anh có thể ngồi rất nhiều ngày liền để code một cái gì đó. Mọi thứ nó cứ như ngấm vào máu anh rồi nên khi làm công việc này mặc dù áp lực rất lớn nhưng anh vẫn rất yêu thích nó.
Rồi có một đợt anh có đọc được về một cái triết lý có tên là IKIGAI và anh cảm thấy khá là phù hợp với những gì mình đã/đang/sẽ làm. Đây là một cái hình anh lấy ở trên mạng để mô tả về triết lý này, đại loại nó là sự giao thoa của 4 yếu tố
- Công việc, nghề nghiệp mà mình đam mê
- Công việc đó mang lại cho mình thu nhập, ổn định kinh tế
- Mình làm giỏi công việc đó
- Mình làm ra sản phẩm mà có người dùng
Q: Khi làm việc nhóm dưới một môi trường căng thẳng như nghề developer, một sai sót nhỏ của một cá nhân có thể gây ra phản ứng dây chuyền, từ đó mâu thuẫn là điều có thể sẽ thường xuyên xảy ra. Là một team leader, anh đã và sẽ đưa ra giải pháp và đối mặt vấn đề này như thế nào?
Richard:
Thật may mắn cho anh là ở công ty rất ít khi xảy ra trường hợp mâu thuẫn như vậy. Để mà nói việc một developer gây ra lỗi không phải là không có, nhưng để xảy ra mâu thuẫn nội bộ trong team thì gần như chưa bao giờ xảy ra.
Khi một cá nhân gây ra một lỗi lầm gì đó, anh thường trò chuyện 1on1 với họ để tìm ra nguyên nhân gốc rễ vấn đề, sau đó tìm giải pháp giải quyết. Anh thường đặt mình vào vị trí của họ rồi đưa ra những lời khuyên để họ thay đổi và đảm bảo rằng vấn đề đó sẽ không bao giờ lặp lại nữa.
Rất ít khi anh chỉ trích họ trước đám đông, Nếu chúng ta đủ khôn ngoan, chúng ta có thể thay đổi hành vi người khác mà không cần đến việc phê bình họ. Mặc dù vậy đôi lúc chúng ta cũng vẫn phải có những hành vi phê bình, để họ hiểu công ty cũng vẫn có nhưng khuôn mẫu, kỷ luật nhất định. Tuy nhiên chúng ta cũng cần hiểu rõ về tính cách các thành viên trong team của mình để có những phương pháp hợp lý. Ví dụ như nếu thành viên đó hơi nhạy cảm thì chúng ta không nên chỉ trích họ trước đám đông, nhưng với thành viên có tính hơi ngang bướng một chút thì cần thẳng thắn.
Ngoài ra thì cũng cần tổ chức những buổi đi chơi, ăn uống, nhậu nhẹt để anh em có thể hiểu nhau hơn, gắn kết nhau hơn từ đó cũng sẽ ít xảy ra mâu thuẫn.
Q: Trong quá trình làm việc tại PageFly, dự án nào đã làm mà team của anh thành công và khiến anh tâm đắc nhất?
Richard:
Thực ra câu hỏi này chưa chính xác lắm, bởi vì bản thân PageFly là 1 dự án. Chắc ý em muốn hỏi là giai đoạn/tính năng nào của dự án PageFly mà anh tâm đắc nhất?
Đối với anh việc làm bất kỳ sản phẩm nào hay bất kỳ công đoạn nào anh đều dồn hết tâm lực vào để hoàn thiện một cách tốt nhất. Chính vì vậy, mọi thứ anh và team làm được đến thời điểm này anh đều tâm đắc.
Điều tâm đắc ở đây có lẽ là con người. Anh có những đồng nghiệp, những anh em rất giỏi, tận tâm và luôn cầu tiến. Tuy còn rất nhiều việc phải làm phía trước, nhưng với đội ngũ, với những gì công ty đã và đang xây dựng, anh tin rằng PageFly sẽ còn tiến xa hơn rất nhiều, hy vọng 1 ngày nào đó sẽ đưa PageFly trở thành “Kỳ Lân”.
Cảm ơn Richard về buổi chia sẻ ngày hôm nay.