Product Owner (PO) là người làm dâu trăm họ. BOD kỳ vọng vào bạn, các stakeholders kỳ vọng vào bạn, development team cũng rất cần bạn. PO là người nói lên tiếng nói của khách hàng. Vậy bạn nghĩ 1 PO chuẩn chỉnh, xịn thì như thế nào?
Trong mô hình Agile Scrum, có 3 vai trò cốt lõi đó là Product Owner, Scrum Master và Development team. Vai trò của PO trong Agile là quản lý Product backlog, quyết định tính năng sản phẩm và thứ tự ưu tiên. Thực tế mà nói thì PO cần làm nhiều hơn thế.
PO tốt sẽ hiểu rõ tầm nhìn và chiến lược của công ty, từ đó xác định mục tiêu và định hướng của sản phẩm. Bởi trong mỗi giai đoạn, định hướng của công ty sẽ thay đổi, do đó việc ưu tiên các tính năng của sản phẩm, và launching sản phẩm đúng thời điểm sẽ giúp đạt được các mục tiêu tăng trưởng, cải thiện các chỉ số kinh doanh, chỉ số sản phẩm, thu hút người dùng, và có lợi thế hơn so với đối thủ.
Thứ hai, PO tốt phải vững về kiến thức ngành (domain knowledge), nắm thông tin về các đối thủ trực tiếp, các xu hướng mới trong ngành cũng như các công nghệ liên quan. Ví dụ bạn làm sản phẩm về banking, ngoài việc nắm được nghiệp vụ của ngân hàng, bạn cần phải nắm được các sản phẩm tài chính đang có trên thị trường, các hệ thống core. Các kiến thức này sẽ là nền tảng để bạn nói chuyện với cộng đồng người dùng, thấu hiểu cách người dùng đang dùng sản phẩm cũng như các vấn đề có thể gặp phải, giao tiếp với các stakeholders, domain experts, partnership, public community, để giúp PO đưa ra những định hướng, chiến lược phù hợp cho sản phẩm của mình.
Thứ ba, PO thì phải hiểu sản phẩm của mình ở nhiều khía cạnh. Đầu tiên là phải hiểu sellings points của sản phẩm là gì, nắm rõ các tính năng sản phẩm, cách thứ vận hành sản phẩm. Ví dụ như làm sản phẩm A, 1 người PO tốt sẽ biết vì sao sản phẩm của mình khác biệt trên thị trường, sản phẩm của mình có lợi thế gì so với đối thủ, sản phẩm của mình đang có quy trình vận hành như thế nào. Sau đó, là phải hiểu người dùng của mình. Tập khách hàng của mình tới từ đâu, người dùng kỳ vọng gì khi dùng sản phẩm của mình, các touchpoint của người dùng, nắm rõ các dữ liệu hành vi của người dùng, các feedbacks ghi nhận từ sale, customer support, feedback form… Cuối cùng là nắm rõ chỉ số tài chính của sản phẩm. Sản phẩm đem lại doanh thu bao nhiêu, số lượng người dùng, chi phí acquire, chi phí vận hành, chi phí phát triển…
Thứ tư, là cầu nối giữa BOD, stakeholders và development team nên PO tự trang bị rất nhiều kĩ năng mềm, trong đó kỹ năng giao tiếp phải cực kỳ tốt. Bạn hiểu sản phẩm, nắm domain knowledge, hiểu chiến lược đấy, nhưng bạn truyền đạt những thông tin này tới stakeholders và development team như thế nào để họ hiểu và action cùng bạn?
Bạn sẽ làm gì khi dev hỏi tính năng này để làm gì? tại sao phải làm tính năng mới trong khi backlog còn rất nhiều thứ? Bạn sẽ giải thích như thế nào cho stakeholder hiểu rằng là tính năng bạn hứa trước đó sẽ phải dời lại ít nhất 1 tháng, và nhường chỗ cho 1 tính năng khác?
Lắng nghe chủ động (active listening), kĩ năng thương lượng, đàm phán, thuyết phục các stakeholder, trao đổi, giao tiếp cởi mở thẳng thắn với development team là những thứ rất thử thách mà PO tốt cần phải có. Thêm nữa, việc tạo dựng mối quan hệ, xây dựng niềm tin lẫn nhau giữa tech product và stakeholder cũng là việc phải làm.
Phát triển sản phẩm ko phải là việc chỉ dev tính năng, test rồi release là xong.
Ví dụ như bạn chuẩn bị release 1 tính năng mới. Bạn sẽ cần thuyết trình về tính năng này các phòng ban trong công ty. Team marketing cần nắm được những tính năng mới để làm product marketing, team sale sẽ cần nắm thông tin để bán hàng, team Operations sẽ cần biết để cập nhật các quy trình vận hành mới, team Customer Support sẽ cập nhật bộ câu hỏi FAQ để trả lời khách hàng các thắc mắc của tính năng mới. Phòng tài chính cũng cần nắm được các chi phí có thể gia tăng, cũng như lợi nhuận có thể mang lại.
Vì thế, PO tốt cần nắm được vận hành của các phòng ban, để tech product và các stakeholders có thể phối hợp cùng nhau, và tạo cảm giác cả công ty cùng làm, cùng đóng góp vào sự phát triển của sản phẩm.
Tổng kết
Làm sản phẩm là câu chuyện của toàn công ty, người PO tốt là người thúc đẩy được việc đó.
Tác giả: Nguyễn Trí Linh