Tản mạn chuyện nấu ăn, việc tay to, giấy toilet

Mình có một người chị rất thân ở Sài Gòn. Lần nào vào cũng ‘ăn vạ’ ở nhà chị. Trong vô vàn thứ khiến mình hay nhớ tới chị thì chắc chắn không thể không nói tới tài nấu ăn của chị. Chị nấu rất ngon, có lẽ mình chưa bao giờ thấy ai nấu ăn ngon như vậy.

Các món chị hay nấu cho mình luôn là những món đơn giản: là đậu luộc, là rau xào…Đại khái chỉ là các món dân dã như thế. Thế nhưng, không hiểu sao những món tưởng chừng như quá bình thường và không-có-gì-để-cải-thiện-thêm ấy lại trở lên ngon hơn rất nhiều qua bàn tay của chị. Ví dụ món rau muống xào tỏi của chị: rau vừa chín đủ mềm, có màu xanh tươi đẹp mắt, tỏi và dầu ăn cho ở mức vừa đủ…Hmm, thật ra thì mình không phải là chuyên gia ẩm thực để có thể phân tích hay mô tả kĩ càng hơn. Điều khiến mình thấy tò mò nhất là vì sao mình – một thằng chẳng để ý lắm chuyện ăn uống, và cũng không thích thú lắm món rau xào khi ở nhà – lại bị hấp dẫn bởi món rau của chị?

Tại sao chị có thể làm một món bình thường thành một món ngon lạ tới vậy (chắc 99% người Việt Nam đều làm được, thậm chí vừa làm vừa check Facebook vẫn xong món)?

Có một số điều đặc biệt mà mình nhận ra khi quan sát chị nấu ăn.

Thứ nhất, chị luôn cẩn thận lựa chọn rau ở cửa hàng quen, nơi nguồn rau đảm bảo. Chị nói phần rau phải nhặt bỏ đi ít lắm, chỉ bỏ đi tí ti ở phía dưới đi mà thôi. Thứ hai, khi chị nấu, mình thấy chị tập trung làm mọi thứ cẩn thận, chỉnh chu và gọn gàng lắm. Điều này khác với mình – mỗi khi nấu là bếp thành một bãi chiến trường ngổn ngang chai lọ, chảo. Mỗi khâu – từ chuẩn bị tỏi, chần rau tới xào, rồi cho gia vị vào – được để ý làm thận trọng, tỉ mỉ. Rồi tới thứ ba là việc bày biện các đĩa trên bàn ăn – mình không có thói quen chụp hình món ăn để post hay lưu lại, nhưng có thể chắc chắn là mấy chị em chụp flat lay trên Instagram cũng sẽ thua chị về khoản bố cục trình bày món ăn trên bàn. Nói cho gọn lại thì từng khâu – tưởng như chẳng có gì đáng kể trong cái công cuộc xào rau này – đều được ‘tối ưu hóa’ rất nhiều qua bàn tay của chị.

Có lần mình kể những quan sát này với những người bạn khác. Nhiều người bảo: “Ôi xời, ăn thì kiểu gì mà chẳng vào lỗ này rồi la lỗ kia cả. Cầu kì làm gì cho rách việc. Cho tí mỡ vào xào tỏi, rồi tương đống rau đã nhặt vào xào qua qua chút rồi cho bột canh vào là xong chứ gì phải bày đặt cầu kì tinh tế nọ kia, nghe phức tạp quá!…”

Cũng đúng. Rốt cục làm theo cách nào rồi thì cũng vẫn ra đĩa rau, mâm cơm. Nhưng nếu làm theo cách ‘cho xong’ ấy, chắc chắn mình sẽ không có ấn tượng nhiều như vậy. Việc làm cho một ‘người dùng vô tâm’ trở lên cuốn hút vào một thứ họ không hề quan tâm trước đây là một việc không bình thường chút nào. Mình tin vậy.

Từ việc lan man về cách làm món ăn đặc biệt của chị, mình liên tưởng tới hai điều sau đây ở BraveBits.

Mấy công việc mang tính ‘tay to, não nhỏ’

BraveBits luôn có nhiều thay đổi. Để thực hiện những thay đổi ấy, thi thoảng trong danh sách công việc của mỗi người chắc đều có những công việc mang tính “tay to là chính”. Với những bạn vừa ra trường, tâm lý thông thường là sẽ làm tất cả theo đúng yêu cầu để hoàn tất công việc được giao, nhưng chắc cũng không thoải mái nếu phải cày kéo các công việc dạng đó. Còn với người đi làm lâu năm thì có thể hình thành chút cảm giác không vui, vì kì vọng muốn được làm những công việc rõ ràng, “ra tấm ra miếng” để có thể học hỏi được nhiều hơn. Cả hai cách nghĩ này đều có lý khi đứng ở góc độ kì vọng cá nhân.

Thế nhưng, với công ty quy mô nhỏ chừng 30 người, việc phân cấp công việc không phải lúc nào cũng làm được như các tập đoàn hàng trăm, nghìn người. Do vậy, việc thi thoảng phải chạy các nhiệm vụ “tay to, não nhỏ” là điều không tránh khỏi. Các công việc dạng này cũng na ná việc xào rau vậy – bởi nhìn bề ngoài thì chúng cũng không có gì đặc biệt, làm kiểu gì cũng xong và không nhất thiết phải vận động não bộ nhiều để hoàn tất.

Vậy, khi có các việc này trong danh sách công việc của mình, bạn sẽ lựa chọn cách làm cho xong (bởi kiểu gì chẳng xong!) – hay thử dành chút thời gian xem mình có thể làm cách khác với công việc đó, để đem lại kết quả gì đó khác cách mặc định ban đầu của mình? Đôi khi, do hạn chế hoặc do tâm lý, mình chẳng thấy có cách làm khác tối ưu hơn cho các công việc ‘tay to’ đó. Nhưng cũng có lúc mình lại thấy có khá nhiều thứ mình có thể cải thiện cho các vấn đề xung quanh mấy vấn đề mang tính tẻ nhạt, ít trí tuệ đó. Rốt cục, cũng giống việc xào rau, kiểu gì bạn cũng sẽ đóng lại phần việc của mình. Thế nhưng bằng cách dành ra chút thời gian để tính toán xem có cách “xào nấu” khác hay không, biết đâu bạn sẽ tìm ra một cách làm ngon hơn rất nhiều?

Mình có thể coi đây như một trò chơi, một chút gia vị cho mấy công việc bị liệt vào nhóm ‘tẻ nhạt’ của mình. Như mình nói, không phải lúc nào cũng hiệu quả – nhưng ít nhất nó giúp mình chặn được suy nghĩ mặc định: “Ê, sẽ chẳng học được gì hoặc có cách làm gì tốt hơn cả cho công việc tẻ nhạt đó đâu”.

Khả năng tìm ra một cái gì đó mới mẻ trong một thứ tẻ nhạt, dù chỉ là 0.1%, cũng đáng thử phải không?

Chắc chắn để tìm ra cách xào rau ngon, chị mình cũng đã từng thử nhiều hướng để làm khác cách thông thường – Nhiều cách trong đó đã không mang tới kết quả như kì vọng, nhưng chắc đã có nhiều cái 0.1% chị thu được từ những lần thử nghiệm đó để tạo ra món xào ngon như bây giờ.

Câu chuyện về chất lượng giấy toilet

Trong giai đoạn tổ chức và tối ưu flow làm việc của công ty gần đây, mọi thứ đều đã và đang được đặt lên bàn cân, từng bước điều chỉnh lại, từ những cái nhỏ li ti về sinh hoạt hàng ngày của anh chị em trong công ty cho tới những cái to tát liên quan tới sản phẩm hay business model của công ty. Khi chia sẻ với các ứng viên tiềm năng về môi trường công ty, một trong những sự vụ mình hay nhắc đến là vụ chất lượng giấy toilet cho bên nữ.

Số là bên nữ có nhu cầu dùng giấy cho một số thao tác đặc biệt của chị em khi đi toilet 🙂 Và thật là khó chịu biết mấy khi giấy bị…mủn ra một cách dễ dàng khi sử dụng. Trong cuộc họp tổng kết cuối tuần của công ty, sau một loạt các vấn đề nghiêm túc về sản phẩm & khách hàng, vấn đề này đã được đưa ra. Cả công ty được phen cười lăn lộn khi một bạn nữ đưa ra phân tích việc giấy ‘mủn’ ra thì bất tiện ra sao. Thế nhưng, đây lại là một nhu cầu cực kì nghiêm túc, và hoàn toàn đáng được đưa ra bàn thảo tại cuộc họp tổng kết.

Giấy toilet, có thể nói là thứ thấp nhất trong danh sách công việc ưu tiên của một công ty công nghệ như BraveBits. Thậm chí nếu ban lãnh đạo công ty có bỏ qua nó khỏi danh sách thảo luận thì công ty cũng không chết được. Thế nhưng, việc nhỏ này – nếu không được xử lý cho tốt – thì vẫn có thể gây ra tâm lý không thoải mái trong công ty, và không thể nói là nó không ảnh hưởng tới môi trường làm việc, cho dù là gián tiếp đi chăng nữa. Câu chuyện này xảy ra cũng khá lâu, nhưng nó vẫn là một trong những thứ mình ấn tượng nhất về công ty cho tới thời điểm này.

Nó cũng lại giống như câu chuyện nấu ăn, xào rau mà mình lan man ở đầu: hoàn toàn có thể bỏ qua chỗ nọ chỗ kia thì cũng vẫn ra sản phẩm cuối cùng. Nhưng nếu mình nỗ lực tối ưu ở mọi khâu, thận trọng cả ở những bước nhỏ thì môi trường làm việc hay sản phẩm sẽ được chỉnh chu hơn. Thậm chí cả những người dùng trước đây thờ ơ với sản phẩm của mình cũng sẽ bị cuốn hút vì sự chỉnh chu và “chất” đó, cũng như việc mình – một thằng chẳng biết nấu ăn và cũng chẳng để ý tới cái gọi là “nghệ thuật ẩm thực” – lại bị cuốn hút đặc biệt với những món ăn do chị mình nấu.

Lời kết

Nếu bạn có dịp tới BraveBits tham dự seminar hay phỏng vấn, bạn có thể an tâm – giấy vệ sinh chất lượng, đảm bảo độ “dai” hơn luôn được cung cấp đầy đủ. Ở đây, thành quả không phải là việc chi tiền mua một loại giấy xịn hơn, mà là sự thành công ban đầu từ những nỗ lực làm công ty ngày một hoàn thiện hơn, biết nghiêm túc lắng nghe và xử lý vấn đề nhân viên (người dùng) đưa ra tốt hơn – Cho dù đó là một vấn đề tưởng như vô cùng nhỏ bé và rất tế nhị đi chăng nữa.

BraveBits không phải là một công ty hoàn hảo, và cũng không có công ty nào hoàn hảo trong mắt mọi người. Điều quan trọng là BraveBits luôn đặt mình ở trên lộ trình cần “tối ưu hóa”. Tại thời điểm này, BraveBits đang vẫn tiếp tục “xào” những món ăn dân dã trong thế giới công nghệ rộng lớn – là Joomla templates, WordPress themes, rồi Shopify Apps, hoàn toàn không có gì đao to búa lớn. Tuy nhiên, điều quan trọng là BraveBits không ngừng tìm tòi cách “xào” chúng thật ngon, thật đẹp. Sẽ không có điểm dừng, sẽ không có một BraveBits ngồi yên và bảo mình “ổn rồi”, giờ không cần tối ưu gì nữa – bởi đó sẽ là điểm dừng của công ty.

Còn về mình: Sau nhiều nỗ lực thì fan hâm mộ khả năng nấu ăn của mình cũng vẫn chỉ có hai thằng con của mình. Dù sao đây cũng là một bước tiến đáng kể rồi (từ 0 đến 2). Trong công việc, mình vẫn đang tiếp tục vui vẻ với một số việc” tay to”, với hi vọng tìm được thật nhiều cái 0.1% đáng giá trong đó.

Comments

Let’s make a great impact together

Be a part of BraveBits to unlock your full potential and be proud of the impact you make.