Table of Contents
Thời đi học, thầy giáo mình hay bảo “Chân lý của Marketing chính là đi tán tỉnh” hay nói cách khác, để “cưa đổ” khách hàng, chúng ta phải tiếp cận – tạo ra nhu cầu – ra quyết định. Facebook marketing chính là xây dựng một kênh tương tác đa chiều với đối tượng khách hàng mục tiêu và từ đó khiến cho khách hàng “fall in love” với thương hiệu và sản phẩm.
Việc áp dụng Inbound Marketing vào truyền thông mạng xã hội với chiến lược xây dựng nội dung đúng đắn sẽ giúp bạn tiếp cận khách hàng mục tiêu một cách thân thiện hơn cũng như chiếm được lòng tin của họ đối với thương hiệu của bạn.
Table of Contents
Quy trình “tán tỉnh” hay còn gọi là Marketing Funnel
Bản chất của Inbound Marketing chính là một phễu bán hàng và chúng ta, những marketer đang cố gắng đưa các đối tượng khách hàng mục tiêu vào phễu, tạo ra những mối liên hệ giữa họ với thương hiệu và cuối cùng là biến đổi họ thành những khách hàng thật sự.
Sau đây là mô hình phễu bán hàng được áp dụng trong Facebook Marketing đã được đơn giản hoá với ba bước cơ bản:
Giai đoạn Tiếp cận (Awareness)
Ở giai đoạn này, “đối tượng tán tỉnh” vẫn còn xa lạ với thương hiệu và nhiệm vụ của các marketer chính là tìm ra mối quan tâm của họ và từ đó tạo ra những nội dung thu hút để có thể tiếp cận họ một cách thân thiện nhất.
Mục tiêu chính của giai đoạn này là tạo ra những nội dung giúp cho đối tượng khách hàng có thể giải quyết được vấn đề của họ. Những bài viết ở giai đoạn này không nên là những bài viết bán hàng hay nói quá nhiều về sản phẩm, chúng ta chỉ nên tập trung tạo ra những nội dung hữu ích hoặc những nội dung mang tính giải trí có liên quan đến sản phẩm.
Ở đây mình sử dụng ví dụ về nội dung chia sẻ kiến thức có liên quan đến sản phẩm từ thương hiệu đồng hồ XWatch. Cá nhân mình rất thích cách xây dựng chiến lược nội dung của thương hiệu này, XWatch không những đăng tải những kiến thức về cách bảo quản đồng hồ, những bài viết về phong cách đàn ông nhằm tiếp cận đối tượng khách hàng mục tiêu; mà thương hiệu này còn đầu tư tạo ra những nội dung mang tính giải trí để phủ sóng thương hiệu.
Hình trên là video “Cậu Ba Sài Gòn” ăn theo trend từ bộ phim “Cô Ba Sài Gòn” được đăng tải bởi XWatch. Với dạng nội dung theo trend này, chắc chắn lượng tương tác cũng như khả năng viral sẽ rất cao, từ đó thương hiệu có thể tiếp cận rộng hơn đến đối tượng khách hàng mục tiêu.
Với truyền thông mạng xã hội, bạn có thể linh hoạt trong việc lựa chọn định dạng cho việc sản xuất nội dung. Nó có thể là video, ảnh, bài viết hướng dẫn, ảnh GIF – bất kỳ thứ gì mà bạn cho rằng đối tượng khách hàng của bạn sẽ tương tác và chia sẻ nó với bạn bè của họ.
Mọi thứ có thể gây được sự chú ý đều giúp bạn tạo ra bước đệm cho giai đoạn tiếp theo, tạo ra nhu cầu.
Giai đoạn Tạo ra nhu cầu (Consideration)
Giai đoạn thứ hai trong quy trình “khiến khách hàng yêu bạn” chính là tạo ra nhu cầu, là giai đoạn mà khách hàng mục tiêu đã biết đến thương hiệu của bạn và biết rằng sản phẩm của bạn có thể sẽ giải quyết được vấn đề của họ.
Như đã nói từ đầu, quá trình marketing chính là quá trình “tán tỉnh” mà như vậy thì không thể thiếu những “tình địch”, những đối thủ cũng muốn lôi kéo đối tượng mục tiêu của chúng ta. Vậy yếu tố quyết định trong giai đoạn này chính là chứng minh cho “đối tượng” thấy rằng bạn chính là người phù hợp nhất. Lúc này, bạn cần tạo ra những nội dung để thuyết phục một lần nữa rằng sản phẩm của bạn sẽ “fit” với nhu cầu của khách hàng.
Ở thời điểm này, việc sử dụng những kỹ thuật trong cách chạy quảng cáo Facebook sẽ ảnh hưởng lớn đến hiệu quả của quá trình. Nhờ vào những tính năng mà trình quảng cáo của Facebook cung cấp, bạn sẽ dễ dàng tiếp cận được những tệp khách hàng “đã tương tác” (re-targeting) hoặc tệp khách hàng “tương tự” (LAL audience) để có thể lan truyền thông điệp một cách chính xác hơn.
Đây chính là giai đoạn xây dựng, nuôi dưỡng mối quan hệ giữa thương hiệu của bạn và đối tượng khách hàng mục tiêu, từ đó chiếm được lòng tin của khách hàng và dẫn đến hành động chuyển đổi ở bước cuối cùng.
Giai đoạn Ra quyết định (Conversion)
Đây là giai đoạn quyết định cho chúng ta biết được tất cả những hoạt động marketing chúng ta đã làm ở trên có hiệu quả hay không. Khi đã bước đến giai đoạn này nghĩa là khách hàng đã sẵn sàng để mua sản phẩm của chúng ta, một “cú hích” đúng thời điểm, đúng thông điệp sẽ mang lại ảnh hưởng rất lớn cho toàn bộ chiến dịch.
Dạng nội dung này ở khắp mọi nơi trên Internet, mạng xã hội; nó là những bài viết bán hàng, kêu gọi hành động, chốt sale. Vậy ở giai đoạn này, liệu có phải chỉ cần quan tâm đến việc tạo ra nội dung bán hàng hay không?
Với mình, chúng ta còn phải quan tâm đến việc đo lường hiệu quả của chiến dịch thông qua các công cụ như Google Analytics (nếu mô hình kinh doanh của bạn có chuyển đổi trên website). Việc biết được chiến dịch nào mang lại nhiều chuyển đổi, chiến dịch nào mang đến nhiều đơn hàng giá trị hay khách hàng tiềm năng nhất sẽ giúp chúng ta có thể tối ưu, giảm thiểu rủi ro và kiểm soát tỷ lệ chuyển đổi trong những chiến dịch sau.
Chiến lược nội dung cho Facebook Marketing
Nãy giờ cũng đã nói về cách xây dựng nội dung trong từng giai đoạn của Marketing Funnel trên mạng xã hội rồi, sau đây là một vài lưu ý nhỏ trong việc sản xuất nội dung mà mình đã đúc kết được trong quá trình làm Facebook Marketing.
Sử dụng ngôn ngữ của khách hàng
Để xây dựng nội dung trong giai đoạn này, bạn phải hiểu được đối tượng khách hàng mục tiêu của bạn là ai, họ có nhu cầu gì, họ quan tâm đến điều gì, và quan trọng hơn nữa là phải định vị được tính cách của họ để có thể tạo ra “giọng điệu thương hiệu” và cách xưng hô phù hợp.
Làm Social Marketing nói chung hay Facebook Marketing nói riêng chính là đang giao tiếp với khách hàng, vậy nên nếu muốn chiếm được lòng tin và tiếp cận đối tượng một cách dễ dàng thì phải sử dụng ngôn ngữ của họ. Ông bà ta từng nói “đi với bụt mặc áo cà sa, đi với ma thì mặc áo giấy” mà nhỉ!
Xây dựng cá tính thương hiệu
Đây là điều vô cùng quan trọng mà bạn luôn phải đề cao khi sản xuất nội dung, điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến cái nhìn của khách hàng đối với thương hiệu của bạn. Cho dù bạn muốn làm content như thế nào đi chăng nữa thì phải luôn đảm bảo được độ nhất quán cho thông điệp và cá tính của thương hiệu.
Trên đây là ví dụ về nội dung nhất quán đến từ Fanpage Saigon Smile Spa và từ đó giúp cho thương hiệu có thể xây dựng được cho mình một cá tính riêng, cụ thể ở đây là chuyên nghiệp và tận tâm.
Đến cuối cùng, làm Social Marketing chính là làm branding cho thương hiệu của bạn, vậy nên mọi thứ có thể ảnh hưởng đến hình ảnh của thương hiệu, của sản phẩm đều cần được chú ý.
Luôn có Call – to – action
Hãy đảm bảo rằng trong mọi bài post của bạn luôn có những “Call-to-action” để thúc đẩy sự tương tác, kêu gọi khách hàng chia sẻ những thông tin hữu ích mà bạn vừa cung cấp, chắc chắn lượng tương tác sẽ khác đi rất nhiều đấy!
Ví dụ ở đây là một bài đăng trên Facebook của thương hiệu Xmen, một call – to – action kêu gọi người đọc comment sẽ tăng được lượng tương tác cho bài post rất nhiều. Tâm lý con người luôn mong muốn được thể hiện quan điểm của mình, hãy thúc đẩy họ làm điều đó đối với nội dung của bạn để tạo ra một “cuộc nói chuyện” thực sự giữa thương hiệu và khách hàng mục tiêu.
Kết luận
Làm Facebook Marketing chính là quá trình xây dựng thương hiệu của bạn thông qua việc tạo dựng nội dung thu hút, gắn kết cộng đồng. Bạn sẽ không thể có được kết quả ngay lập tức nhưng nếu chiến dịch của bạn thành công, thành quả của bạn chắc chắn sẽ được đền đáp xứng đáng.
Hy vọng với bài viết này, các bạn sẽ có một cái nhìn rõ hơn về việc xây dựng một chiến dịch Facebook marketing và cách tạo dựng nội dung cho chiến dịch trong từng giai đoạn như thế nào.