Table of Contents
Xin chào cà nhà,
Mình là Uyên, một tay ngang, và vô cùng fresh trong làng Product Designer. Mình mới tốt nghiệp được 1 năm, theo đuổi Marketing được 4 năm đại học, từng làm việc với vị trí Landing Page Designer cho một công ty quảng cáo. Mọi thứ nghe có vẻ như rất liên quan và cực kì hữu ích cho mình để tiếp cận với UX UI Design, nhưng “boom”, mọi thứ đã rất chật vật ngay từ những bước đi đầu của mình. Bài viết này có thể đưa thêm các bạn nhiều góc nhìn hơn khi cân nhắc nhảy sang vị trí mới – UX UI Design
Table of Contents
Mình đã có tư duy không đúng về nghề
Cụ thể hơn, mình là một marketer thích vẽ, thích hí hoáy Canva, thích nghịch AI, thích design linh tinh, và thích cái đẹp. Mình đã từng làm hàng trăm landing page để bán hàng, đơn thuần là một trang được lấp đầy bởi chi chít thông tin, hình ảnh đã là hoàn thành. Do đó, mình nghĩ rằng đây là một công việc dễ ăn, chỉ cần có óc sáng tạo và khả năng thẩm mỹ tốt là đủ, chưa kể mình có nền tảng siêu mạnh về nghiên cứu thị trường và người tiêu dùng. Tuy nhiên, thực tế đã cho mình một “cú tát” đầy thức tỉnh.
Giai đoạn đầu, design manager đã cực kì vất vả để định hình cho mình về tư duy thiết kế sản phẩm, khi trong đầu mình lúc nào cũng lấp đầy câu hỏi “làm thế nào để đạt sự cân bằng, và hài hoà trong giao diện của sản phẩm?”, “làm thế nào để thiết kế của mình trông thật fancy, thật thu hút và thật đẹp mắt?”… Mình đã hoàn toàn phớt lờ yếu tố “User experience – Trải nghiệm người dùng”, mình đã thiếu nhận thức về mối quan hệ giữa UX và UI, đây là một điểm yếu mà mình hay thấy ở những bạn chuyển ngành như mình. Qua nhiều lần sửa đi sửa lại sản phẩm, đào sâu về việc hiểu nghề, mình nhận ra có rất nhiều góc nhìn về việc nên ưu tiên UX hay UI trước. Tuy nhiên, sự ưu tiên này còn tuỳ thuộc vào kịch bản của sản phẩm, nhưng việc chúng nên là đi song song với nhau, và đều phải dùng phương pháp tiếp cận lấy người dùng làm trung tâm để giải quyết vấn đề.
“Don’t Make Me Think” của Steve Krug là một quyển sách mình đã cân nhắc để đọc khi mình đang tìm hiểu về sự phù hợp của bản thân và nghề.
Có quá nhiều khái niệm mình còn chưa từng chạm đến
Rắc rối tiếp theo mình gặp không phải đến từ thứ mình kém, mà thậm chí đến từ những khái niệm mình còn chưa biết đến sự tồn tại của nó. Mình gặp rắc rối rất nhiều vì không hiểu Information Architecture là gì, mình không biết một design process cần những gì, mình không biết nên vẽ wireframe như thế nào, cần sự chỉn chu đến đâu, User Persona, User Journey Map, Information Architecture, Wireframing, Prototyping đến Usability Testing….
Rất rất nhiều thứ mới mẻ vồ lấy mình trong những sprint đầu tiêu của dự án, nhưng may thay, những khái niệm này đều có thể tiếp cận một cách dễ dàng thông qua những tài liệu UX cơ bản nhất. Dĩ nhiên, lượng kiến thức mà mình đã dung nạp vẫn chỉ là bề mặt của tảng băng, còn rất nhiều chỗ trống nữa để mình học và khai thác được. Mình có sự hỗ trợ từ phía BraveBits khi được học nhiều khoá học và sách liên quan mà công ty chuẩn bị sẵn.
Tool có nên là thứ quan trọng cuối cùng?
Mặc dù mình đã có một số kinh nghiệm với Figma trước đây, mình quyết định tham gia một khóa học Udemy có thể khám phá tất cả các tính năng của nó. Vì vậy, trong thời gian đầu tư tại BraveBits, mình đã hoàn thành khóa học “Learn Figma — UI/UX Design Essential Training” của Caleb Kingston . Nó dạy mọi thứ chúng ta cần biết để làm quen với Figma. Và khám phá tất cả các tính năng chính như frames, shapes, the pen tool, components, prototyping và tất cả những thứ đó.
Giai đoạn đầu, mình điên cuồng học cách sử dụng Figma, sử dụng các plugin thú vị gắp nhặt ở trên mạng về. Tuy nhiên, công cụ chỉ là phương tiện, không thể thay thế tư duy thiết kế, khả năng thấu hiểu người dùng và kỹ năng sáng tạo của nhà thiết kế, do đó, việc ưu tiên học các nguyên lí UX cơ bản vẫn nên được đề cao hơn cả.
Làm việc theo mô hình Agile
Agile là một phương pháp hoàn toàn mới đối với mình khi làm việc với vị trí UX/UI designer ở BraveBits. Trong marketing, công việc thường được lên kế hoạch dài hạn với các chiến dịch cụ thể và không tuân theo mô hình lặp đi lặp lại như Agile. Sự khác biệt này dẫn đến nhiều khó khăn khi mình phải thích nghi với việc làm việc trong một team scrum.
Trong team scrum, Product Owner (PO) là người chịu trách nhiệm quản lý backlog và đảm bảo rằng team đang làm việc theo đúng hướng để đáp ứng yêu cầu của người dùng và các bên liên quan. Ban đầu, mình – với vị trí Product developer gặp khó khăn trong việc giao tiếp và hiểu rõ yêu cầu của PO. PO thường có những kỳ vọng rõ ràng về sản phẩm nhưng lại không nắm rõ chi tiết về thiết kế, dẫn đến việc yêu cầu thay đổi liên tục và không rõ ràng.
Scrum Master chịu trách nhiệm đảm bảo rằng team tuân theo các quy tắc của scrum và giúp team làm việc hiệu quả. Điều này thường dẫn đến áp lực thời gian rất lớn, khi các sprint (chu kỳ làm việc ngắn hạn) yêu cầu hoàn thành một lượng công việc nhất định trong một khoảng thời gian giới hạn. Đối với một người mới như mình, việc phải hoàn thành thiết kế trong thời gian ngắn mà vẫn đảm bảo chất lượng và tính khả dụng của sản phẩm là khá áp lực.
Hiện tại, mình vẫn còn tồn đọng rất nhiều vấn đề, nhưng hiện tại việc giao tiếp của mình trong team đã cả khá hơn, tụi mình hướng đến kết quả thay vì để những cảm xúc cá nhân lấn át công việc. Điều này cho mình thấy, kĩ năng mềm cũng nên được đề cao trong cả nghề này. Mình cũng bắt đầu bằng việc tìm hiểu kỹ về vai trò của PO và Scrum Master cũng như cách thức hoạt động của một team scrum. Điều này giúp mình hiểu rõ hơn về quy trình làm việc và kỳ vọng của các bên liên quan. Mình cố gắng cải thiện kỹ năng giao tiếp của mình bằng cách tham gia các cuộc họp thường xuyên hơn, lắng nghe và đặt câu hỏi để hiểu rõ yêu cầu của PO. Mình cũng học cách đưa ra các phản hồi mang tính xây dựng để cải thiện quá trình làm việc. Mình cũng học cách quản lý thời gian và công việc của mình một cách hiệu quả hơn bằng cách chia nhỏ nhiệm vụ và tập trung vào từng phần một. Điều này giúp mình giảm bớt áp lực và hoàn thành công việc đúng hạn.
Lời kết
Lời kết, chúng ta – những Marketer có niềm yêu với UX UI Design bắt gặp quá nhiều sự mới mẻ ở đây, nhưng nhìn chung con đường này vẫn đang rộng mở và nhiều thuận tiện hơn chúng ta vẫn nghĩ nhiều. Chúng ta có lẽ chỉ đơn giản là đang xây dựng và điều chỉnh những kỹ năng sẵn có hơn là xây dựng lại từ đầu.
Chúng ta biết cách tiến hành nghiên cứu thị trường, phân tích dữ liệu, phân khúc đối tượng, soạn thảo thông điệp và đo lường kết quả. Những kỹ năng này cũng rất cần thiết cho thiết kế UX, vì chúng ta cần hiểu người dùng, vấn đề của họ, động lực của họ và phản hồi của họ. Chúng ta cũng có kinh nghiệm trong việc sáng tạo nội dung, chẳng hạn như viết quảng cáo, hình ảnh và thuyết trình. Những kỹ năng này có thể giúp chúng ta truyền đạt ý tưởng thiết kế, tạo nguyên mẫu và giới thiệu tác phẩm của mình như một UX UI Designer
Phương pháp luận của Marketing và UX UI Design đủ gần nhau để chúng ta có thể tận dụng 100% kiến thức đã học được từ việc học tập và làm việc trong lĩnh vực Marketing. Nếu bạn đang cân nhắc chuyển sang lĩnh vực UX/UI design, hy vọng rằng câu chuyện của mình sẽ giúp bạn có thêm động lực và định hướng cho từng bước nhỏ sắp đến của bạn